“Vui sao đám cưới quê em
Cô dâu xinh đẹp lại thêm dịu dàng
Thẹn thùng khép nép bên chàng
Cùng nhau sánh bước chứa chan tình nồng
Có duyên có nợ tơ hồng
Trăm năm hạnh phúc tình không đổi dời
Rước em về với cuộc đời
Cùng anh chia sẻ ngọt bùi bên nhau.”
Yêu em từ thuở đôi mươi đến nay tình yêu cũng đã đủ đầy, nồng thắm để hai ta có thể về chung một nhà. Để có thể thực hiện được điều đó cần đến sự cho phép của gia đình hai bên. Theo truyền thống của người Việt thì nghi thức đầu tiên được thực hiện là “Đính hôn”. Vậy đính hôn là gì? Đây có lẽ là thắc mắc chung của nhiều bạn trước khi tiến tới hôn nhân. Bài viết sau đây xin chia sẻ một số thông tin bổ ích xoay quanh vấn đề lễ đính hôn này.
Đính hôn là gì?
Đính hôn được hiểu là bước đệm quan trọng nhất để đôi trẻ có thể tiến tới hôn nhân, là khi quan viên hai bên nhà trai, nhà gái chính thức thông báo sự chấp thuận việc dựng vợ, gả chồng cho con cái. Tùy vào các vùng miền sẽ có những phong tục, sính lễ khác nhau trong ngày đính hôn.
Cần chuẩn bị những gì trong ngày đính hôn?
Hôn nhân là một trong những việc trọng đại nhất của đời người. Do đó, nó phải được chuẩn bị thật chu đáo, kỹ càng trong từng khâu để tạo tiền đề cho hạnh phúc lứa đôi. Đặc biệt nhất chính là sính lễ. Đây là điều quan trọng nhất, cần được chuẩn bị tỉ mỉ, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Theo truyền thống người Việt Nam, sính lễ đính hôn được hiểu là những món quà hai bên nhà trai nhà gái trao tặng cho nhau để dâng lên thắp hương ông bà, tổ tiên chấp thuận và ủng hộ cho mối lương duyên của đôi lứa. Đồng thời, để xác nhận, gắn kết tình thông gia hai bên. Vậy sính lễ đính hôn bao gồm những gì? Thông thường ta thường thấy những sính lễ như sau:
- Tráp trà
- Tráp trầu cau
- Tráp hoa quả
- Tráp rượu, thuốc lá
- Tráp heo quay
- Tráp bánh phu thê
Tùy vào từng vùng miền sẽ có thêm những sính lễ được chuẩn bị khác nhau. Người miền Bắc sẽ thay thuốc lá bằng trà. Người miền Trung sẽ có thêm tráp nến tơ hồng biểu tượng cho tình yêu đôi lứa đã được ông Tơ bà Nguyệt se duyên kết chỉ hồng, luôn nồng cháy, luôn rực lửa. Bên cạnh đó, người miền Nam sẽ thêm tráp xôi gấc vào sính lễ đính hôn – tượng trưng cho mối tình nồng thắm của đôi lứa.
Trình tự nghi thức đính hôn được diễn ra như thế nào?
Trao sính lễ cho nhà gái
Trao sính lễ cho nhà gái là điều đầu tiên nhà trai sẽ thực hiện, khi đó nhà trai sẽ có những phụ rể bưng mâm tráp và được đón đợi bởi dàn phù dâu của nhà gái. Sau khi trao sính lễ nhà trai sẽ được nhà gái mời vào trong nhà nói chuyện, dùng trà.
Cô dâu ra mắt hai bên
Trong khi các đại diện nhà trai, nhà gái đang dùng trà nói chuyện thì chú rể sẽ được lên phòng cô dâu để đón cô dâu xuống ra mắt quan viên hai họ. Thông thường thì cô dâu sẽ khoác lên mình bộ trang phục truyền thống người Việt – áo dài trong buổi đính hôn. Sau đó cô dâu và chú rể sẽ rót trà mời gia đình hai bên.
Thắp hương bàn thờ tổ tiên
Dân gian có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” do đó, sau khi cô dâu được đón xuống sẽ cùng chú rể lấy một vài vật phẩm trong tráp sính lễ bày lên bàn thờ tổ tiên, nhằm mục đích mong tổ tiên sẽ chứng giám, ủng hộ cho hôn nhân của hai đứa.
Bàn bạc lễ cưới
Cưới xin là việc quan trọng, do đó đôi bên sẽ cùng nhau bàn về đám cưới của đôi trẻ. Hai bên gia đình sẽ cùng nhau định ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới, thống nhất ngày giờ rước dâu… đồng thời cô dâu, chú rể sẽ chụp hình lưu niệm với hai bên gia đình để lưu lại những khoảnh khắc thiêng thiêng, đáng nhớ ấy.
Nhà gái trao lại sính lễ cho nhà trai
Sau khi đã bàn bạc xong tất cả thì cũng đã đến lúc nhà trai ra về, lúc này nhà gái sẽ lấy một phần sính lễ ban đầu nhà trai mang tới để trao lại cho nhà trai. Những sính lễ được trao lại sẽ được tháo gỡ hoàn toàn bằng tay, không dùng dao kéo và sính lễ khi trao lại sẽ để lên tráp và để ngửa nắp tráp.
Kết luận
Để có một đám cưới thật hoàn mỹ, suôn sẻ thì cô dâu và chú rể cần chuẩn bị cho lễ đính hôn thật, chu đáo, trang trọng. Bởi đó là những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nên hai bên cần dành thời gian để chuẩn bị tỉ mỉ để đúng với phong tục, tập quán. Hy vọng rằng những thông tin trên có thể sẽ giúp ích cho cô dâu, chú rể tự tin hơn, tránh khỏi sự lúng túng, có những sơ suất trong ngày đính hôn của mình. Chúc cho những cặp đôi sắp nên duyên vợ chồng sẽ mãi mãi hạnh phúc viên mãn, nắm tay nhau cho đến khi đầu bạc răng long.