Lễ hằng thuận là một cái tên khá xa lạ với một số người nhưng cũng khá quen mặt với các gia đình phật tử, vì đây là một nghi thức vô cùng quan trọng trong tổ chức hôn nhân tại chùa. Những lễ cưới quen thuộc ở nhà hàng, khách sạn hay tại gia hầu như mọi người đều đã chứng kiến qua rất nhiều. Tuy nhiên với lễ hằng thuận ở chùa, không phải ai cũng hiểu rõ trình tự. Vậy lễ hằng thuận là gì? Nguồn gốc của lễ này, trình tự như thế nào cũng như những nội dung khác ra làm sao? Chúng ta hãy cùng Cẩm Ni Studio đi tìm hiểu chi tiết ở bài viết dưới đây.
Lễ hằng thuận là gì?
Lễ Hằng Thuận được hiểu đơn giản là lễ cưới được tổ chức tại chùa theo nghi thức Phật Giáo, dưới sự chứng minh của đức Phật và chư tăng ni, phật tử, đặc biệt là sự chúc phúc của 2 bên gia đình cho đôi tân lang, tân nương.
Hằng có nghĩa là vĩnh cửu, Thuận có nghĩa là thuận hòa, ý nghĩa khuyên răn cặp đôi mới cưới sống hảo hợp và cầu chúc cho các cặp đôi luôn có được sự hòa thuận vĩnh cửu – gốc rễ xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Nguồn gốc lễ hằng thuận
Theo nhiều nguồn tư liệu, người đầu tiên khởi xướng ra lễ hằng thuận là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 – 1940), quê ở Hải Dương. Cụ vốn là một nhà nho, sau quy y theo Phật. Với một lòng hướng Phật, cụ Thuật cho rằng việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho gia đình phật tử. Lễ hằng thuận đầu tiên được tổ chức vào năm 1930 tại chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế.
Mãi cho tới năm 1971 khi được chứng kiến rất nhiều lễ cưới tại chùa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ hằng thuận. Theo tên gọi, thì “hằng” là thường xuyên, là luôn luôn, còn “thuận” là hòa thuận, là đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống.
Lễ hằng thuận được tổ chức khi nào?
Thông thường, lễ hằng thuận được tổ chức ngay sau khi lễ cưới được diễn ra. Sau khi đã chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình sẽ lên thỉnh ý kiến của sư thầy trụ trì. Nếu được đồng ý, buổi lễ sẽ diễn ra theo đúng như ngày đã định dưới sự chuẩn bị và kết hợp của gia đình và các sư thầy, hòa thượng trong chùa.
Trước hôn lễ từ 3 – 5 ngày, cô dâu, chú rể sẽ lên chùa để nghe trụ trì, sư thầy giảng đạo vợ chồng, đạo làm con nhằm tích lũy những kiến thức nền tảng để chuẩn bị cho hôn nhân, cuộc sống gia đình trong tương lai.
Nghi thức lễ hằng thuận diễn ra như thế nào?
Mọi người sẽ ổn định chỗ ngồi, cung nghinh vị chủ trì hôn lễ, nghi lễ thường diễn ra tại chính điện của chùa. Người thân, bạn bè được sắp xếp vị trí hai bên theo đúng nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” tức “nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải”. Cô dâu chú rể sẽ được chủ trì làm lễ quy y nếu chưa có pháp danh, còn trường hợp nếu đã quy y thì chủ hôn sẽ tiến hành bình thường và theo trình tự: tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, đại diện của hai gia đình nói lời phát biểu. Cô dâu, chú rể phát nguyện (theo như cả hai đã chuẩn bị từ trước). Sau đó cùng nghe lời giảng của trụ trì về đạo lý của vợ chồng đối với nhau, bổn phận làm con.
Hòa thượng chủ hôn buộc dây tơ hồng làm bằng ruy-băng, len hoặc lụa đỏ để thể hiện sự gắn bó, kết nối đôi uyên ương mãi không rời xa nhau. Cô dâu chú rể đảnh lễ (quỳ lạy) niệm ân cha mẹ, nội ngoại và với đối phương. Sau đó ký tên vào giấy chứng nhận, cả hai cùng tiến hành trao nhẫn và nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn. Đại diện hai bên gia đình cũng phát biểu lời chỉ bảo khuyên răn cặp đôi. Nhà chùa và gia đình có thể tặng hoa hoặc quà cho nhau sau đó thắp nến cầu nguyện (khóa lễ cầu an, cảm tạ). Sau khi hoàn tất nghi lễ, mọi người thường ở lại dùng trà, bánh ngọt hoặc dùng tiệc chay ngay trong chùa.
Cần lưu ý những gì khi tổ chức lễ hằng thuận?
- Thông báo cho nhà chùa biết hai bạn đã quy y và có pháp danh hay chưa. Nếu có pháp danh rồi thì tiến hành lễ hằng thuận theo thứ tự, nếu chưa sẽ được trụ trì, sư thầy tổ chức làm lễ quy y trước rồi mới làm theo trình tự lễ hằng thuận
- Địa điểm tổ chức lễ hằng thuận tốt nhất là nơi chú rể, cô dâu quy y để tạo sự thoải mái cho cô dâu – chú rể.
- Hai bạn nên dành thời gian đến chùa trước để thống nhất cũng như chuẩn bị những thứ để đảm bảo đúng với mong muốn của mình.
- Thông thường mọi thứ trong hôn lễ sẽ đều được nhà chùa chuẩn bị giúp. Tuy nhiên, nếu gia đình muốn trang trí, trang hoàng không gian theo màu sắc cô dâu – chú rể mong muốn thì vẫn được nhà chùa cho phép.
- Đối với khách mời trong buổi lễ, nên nhắc nhở mọi người phải ăn mặc những trang phục kín đáo, ăn nói nhỏ nhẹ, trang nghiêm.
- Một số ngôi chùa chỉ được phép tổ chức phần nghi lễ của lễ hằng thuận, có chuẩn bị trà, đồ ngọt nhẹ chứ không tổ chức tiệc trong khuôn viên chùa. Vậy nên, nếu cô dâu – chú rể có mong muốn tổ chức tiệc chay hãy bàn bạc với trụ trì hoặc có thể đặt tiệc chay ở nơi khác.
Chi phí tổ chức lễ hằng thuận là bao nhiêu?
Lễ hằng thuận không chú trọng vào hình thức sa hoa, tùy thuộc vào mỗi gia đình có thể chuẩn bị các phần trang trí, lễ theo nhu cầu và điều kiện gia đình mình.
Đầu tiên, hai bên gia đình cần chuẩn bị một khoản dành để trang trí chính điện – nơi tổ chức hôn lễ, bạn nên chọn đồ vật trang trí sao cho phù hợp với sự trang trọng và thành kín nơi cửa Phật (dao động trong khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng).
Khi tổ chức lễ Hằng Thuận, cô dâu – chú rể sẽ chọn hình thức cúng dường: Tam Bảo hay Trai Tăng. Cúng dường Tam Bảo là hai gia đình sẽ công đức một khoản chi phí cho nhà chùa để chuẩn bị hoa quả và nhang đèn (dao động tầm 3 triệu). Cúng dường Trai Tăng là gửi một chút lòng thành riêng cho các nhà sư để cảm ơn vì họ đã chúc phúc cho cặp đôi (dao động 4 triệu).
Cô dâu – chú rể sẽ chi trả phí mua trà, bánh hay cơm chay sau lễ. Thông thường, các gia đình sẽ chọn cơm chay để mời các tăng ni cùng các vị khách quý tham gia (dao động 750.000/mâm).
Kết luận
Bài viết trên đây là một số thông tin về lễ hằng thuận, một nghi thức cưới hỏi vô cùng ý nghĩa, làm tăng thêm sự bền vững của các cặp đôi sau khi kết hôn. Lễ hằng thuận thường được các cặp đôi đã quy y, gia đình phật tử lựa chọn. Chung quy lại, họ đều mong muốn có một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp, một khởi đầu viên mãn. Mong các cặp đôi cầu được ước thấy, vui vẻ, hòa thuận, yêu thương nhau.