Đám cưới Việt Nam từ xưa tới nay luôn bao gồm những nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy vậy, ở mỗi vùng miền, những phong tục đám cưới ấy lại mang một nét đặc trưng riêng. Khi nhắc tới con người miền Nam, họ luôn được nhận xét là những người có tính cách phóng khoáng, đơn giản, không cầu kỳ. Do vậy, thủ tục cưới hỏi ở đây được thực hiện một cách thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo được sự nghiêm trang và đầy đủ. Hãy cùng Cẩm Ni Studio tìm hiểu về thủ tục cưới hỏi ở miền Nam nhé.
Lễ dạm ngõ ở miền Nam
Trong các nghi thức cưới hỏi ở miền Nam, họ vẫn có lễ dạm ngõ như miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, lễ dạm ngõ này được tổ chức đơn giản, không quá cầu kỳ hay quá khắt khe về quy định các lễ vật cần có. Đặc biệt hơn chính là buổi lễ này có thể được bỏ qua nếu như khoảng cách hai nhà quá xa, không thuận tiện cho việc tổ chức lễ dạm ngõ.
Hơn nữa, gia đình 2 bên còn có thể gộp hai lễ ăn hỏi và đón dâu vào trong cùng một ngày. Khi đó, lễ cúng tổ tiên cùng lễ vật ăn hỏi khi đón dâu cũng sẽ được gộp chung làm một.
Những thành viên tham dự lễ dạm ngõ bao gồm: cha mẹ phía đàng trai, chú bác và những người có uy tín trong gia tộc. Cha mẹ đàng trai sẽ cho cha mẹ nhà gái ngày tháng năm sinh của con mình nhằm mục đích tìm ra ngày cưới phù hợp với đôi trẻ.
Lễ ăn hỏi miền Nam
Không riêng gì buổi lễ ăn hỏi của người dân miền Nam mà người dân miền Bắc hay Trung cũng đều thực hiện nghi lễ này trước bàn thờ gia tiên nhà gái. Vị trưởng tộc hoặc những người có uy tín, tiếng nói trong gia tộc nhà trai sẽ là người dẫn đầu đoàn. Tiếp sau đó sẽ là chú rể – người phụ trách bê mâm trầu cùng đôi đèn lớn, trùng với đế chân đèn trên bàn thờ nhà gái. Kế sau chú rể sẽ là các bạn phù rể, người sẽ bê mâm rượu cùng những lễ vật khác. Những người đi phía sau là ông bà, cô bác và cha mẹ của chú rể.
Một điều cần lưu ý khác nữa chính là nhà trai cần đi chẵn đôi khi vào nhà họ nhà gái, lễ vật trong lễ ăn hỏi sẽ tương ứng với các con số chẵn như 6 và 8. Đây là những con số tượng trưng cho tài lộc, ấm no. Lễ vật mà nhà trai mang đến gồm có: trái cây, bánh kẹo, trầu cau cùng một số các lễ phụ đi kèm như xôi gấc, heo quay, trà, rượu, nến,… Để nhập trình lễ cưới, trưởng tộc nhà trai phải đợi sự cho phép của đại diện gia đình nhà gái mới có thể tiến hành nghi lễ. Trong lễ ăn hỏi, phía gia đình nhà trai sẽ trao vàng bạc, nữ trang coi như là trao hồi môn cho cô dâu.
Lễ cưới miền Nam
Trong phong tục cưới hỏi của người dân miền Nam, quan trọng nhất chính là lễ lên đèn. Hai ngọn nến lớn được gia đình nhà trai mang đến ở buổi lễ ăn hỏi trước sẽ được đặt một cách trang nghiêm trên bàn thờ nhà gái. Sau khi trưởng tộc họ nhà gái tuyên bố làm lễ lên đèn, cô dâu chú rể sẽ là người tự tay thắp sáng những ngọn nến đó. Điều này mang ý nghĩa hy vọng cô dâu chú rể có thể gắn kết bền chặt với nhau trong suốt cả cuộc đời.
Trưởng tộc họ nhà gái sẽ là người cùng với cô dâu, chú rể phụ trách một số nghi thức trong suốt buổi lễ.
Kết luận
Mặc dù phải thừa nhận rằng mỗi vùng miền đều có những nghi lễ, phong tục cưới hỏi khác nhau, tuy nhiên nó đều là nét văn hóa truyền thống lâu đời mà ông cha ta truyền lại. Dù bạn ở đâu hay bạn thực hiện nghi thức cưới hỏi của vùng miền nào đi nữa, chắc chắn một điều rằng các thủ tục này đều mong cho bạn có được hạnh phúc trọn đời. Trên đây là một vài chia sẻ của Cẩm Ni Studio về thủ tục cưới hỏi của người dân miền Nam, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức bổ ích, thú vị.