Đám cưới được xem là chuyện trọng đại của cả đời người. Do đó, mọi thủ tục cưới hỏi sẽ được chuẩn bị và tiến hành một cách khá nghiêm ngặt và mang tính truyền thống. Điều đó không chỉ thể hiện sự trân trọng nguồn cội mà còn giữ gìn những gì tinh hoa nhất trong lễ cưới truyền thống của người Việt.
Hãy cùng Cẩm Ni Studio giúp cô dâu – chú rể tìm hiểu một trong những thủ tục trong lễ ăn hỏi – một trong những nghi thức quan trọng trong phong tục cưới truyền thống của dân tộc.
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi (hay còn gọi là lễ đính hôn) là một nghi lễ cần thiết trong hôn nhân (Lễ dạm ngõ – Lễ ăn hỏi – Lễ cưới). Hiểu một cách đơn giản nghĩa là nhà trai sẽ mang những lễ vật tới gia đình nhà gái xin hỏi cưới cô gái về làm dâu con trong nhà.
Nghi lễ này là một dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho hôn nhân sau này. Người xưa quan niệm rằng, sau buổi lễ ăn hỏi, cặp đôi sẽ chính thức trở thành vợ chồng của nhau. Còn lễ cưới là để báo hỷ để mọi người cùng chung vui với niềm hạnh phúc của mình.
Trong lễ ăn hỏi cần chuẩn bị những thứ gì?
Chuẩn bị cho lễ ăn hỏi
Về thời gian, địa điểm: Nhà gái sẽ đi coi ngày để chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ ăn hỏi. Sau đó, nhà gái sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với nhà trai để tổ chức. Sau đó thống nhất ngày tổ chức lễ ăn hỏi.
Những thành phần tham gia trong lễ ăn hỏi:
- Phía nhà trai: chú rể, ông bà, bố mẹ và các thành viên trong gia đình. Sau đó là đại diện anh em trong dòng họ, bạn bè. Cuối cùng là một đội nam bưng lễ, ưu tiên những bạn nam chưa kết hôn. Số lượng sẽ phụ thuộc vào số lễ của từng vùng miền (thường là những số lẻ 3, 5, 7, 9,…).
- Phía nhà gái: cô dâu, ông bà, bố mẹ, các thành viên trong gia đình cô dâu. Sau đó là đại diện anh em, họ hàng bên nhà gái. Cũng như bên nhà trai, nhà gái cũng có một đội nữ bê tráp. Ưu tiên các cô gái này còn trẻ và chưa lập gia đình, số lượng sẽ tương ứng với bên nhà trai.
Lễ vật cưới
Lễ vật sẽ được đàng trai sắp xếp trước khi mang sang nhà gái. Lễ vật này được đựng trong các tráp cưới được phủ khăn màu đỏ có hình rồng phượng với ý nghĩa mang đến sự may mắn, đủ đầy. Số sính lễ được chuẩn bị trên mâm phải là chẵn, thể hiện ý nghĩa có cặp, có đôi.
Tùy theo điều kiện gia đình và theo sự bàn bạc thống nhất từ trước mà nhà trai sẽ chuẩn bị số mâm với những lễ vật sau:
- 5 tráp ăn hỏi gồm có: trầu cau, rượu thuốc, chè, bánh cốm, hoa quả. Bộ 5 tráp ăn hỏi này được đa số gia đình lựa chọn bởi nó phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình mà lại tương đối đầy đủ các lễ vật theo truyền thống.
- 7 tráp ăn hỏi gồm có: trầu cau, rượu thuốc, chè, bánh cốm, hoa quả, bánh phu thê và mứt sen. Thường người ta hay chọn tráp 7 hơn vì số 7 biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy.
- 9 tráp ăn hỏi gồm: trầu cau, rượu thuốc, chè, bánh cốm, hoa quả, bánh phu thê, mứt sen, lợn quay và xôi gấc. Đây là mâm lễ ăn hỏi truyền thống được đánh giá là bộ lễ khá cao cấp. Với mong ước cô dâu, chú rể sẽ có được cuộc sống hôn nhân đủ đầy và như ý.
Tùy thuộc vào từng địa phương, người ta có thể thay bánh cốm bằng bánh nướng, bánh dẻo… trên mâm tráp. Nhưng hầu như đó là những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn (bội số của 2, tượng trưng cho việc có đôi có lứa). Những lễ vật đó lại được xếp trong số lẻ của tráp (số lẻ tượng trưng cho sự phát triển).
Lễ nạp tài
Một số nơi còn gọi là lễ đen, lễ vật dẫn cưới này thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái, thể hiện sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai. Ngoài ra, nó cũng thể hiện thiện ý của nhà trai là xin đóng góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí cho hôn sự.
Các thủ tục chính của lễ ăn hỏi bao gồm?
Rước lễ vật
Sính lễ phải được sắp xếp gọn gàng và chỉn chu, người đội lễ khăn áo chỉnh tề. Để đảm bảo thời gian tới nhà gái như đã định, nhà trai và gia đình cần tính toán thời gian đi lại sao cho hợp lý, cũng như tránh những trở ngại trên đường. Đoàn ăn hỏi cũng sẽ dừng lại cách nhà gái khoảng l00m, sắp xếp đội hình, rồi mới đội lễ vào nhà gái.
Chào hỏi giữa hai bên gia đình
Đến giờ lành đã định thì bên nhà trai sẽ bắt đầu tiến vào nhà gái. Dẫn đầu là ông bà, bố mẹ chú rể rồi đội bưng lễ theo sau.
Gia đình cô dâu cùng các vị đại diện sẽ ra đón tiếp nhà trai. Sau khi hai bên gia đình chào hỏi nhau, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ vật cho đội đỡ tráp nữ. Hai đội đỡ tráp sẽ trao phong bao lì xì để trả duyên cho nhau.
Phát biểu trong buổi lễ
Đại diện cho nhà trai (thông thường là như trưởng họ) sẽ phát biểu ý kiến và nêu lý do mà trai mang lễ vật đến. Tiếp theo, đại diện nhà gái nói lời cảm ơn và nhận lễ. Cuối cùng mẹ cô dâu, mẹ chú rể cùng mở các tráp lễ trước sự góp mặt của hai họ.
Thắp hương gia tiên nhà gái và lại quả
Khi nhà gái đã chấp nhận nhận tráp ăn hỏi của nhà trai mang đến, gia đình nhà gái sẽ cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu. Sau khi được chú rể lên đón, cô dâu sẽ xuống nhà và chào hỏi, rót nước mời gia đình.
Mẹ cô dâu sẽ lấy từ sính lễ ra một số vật phẩm và tiền lễ nạp tài nhà trai đưa qua để mang lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên, ông bà. Sau đó, cô dâu chú rể sẽ thắp hương tại bàn thờ nhà gái.
Nhà gái nhận lễ rồi đặt một phần lên bàn thờ gia tiên. Khi lễ ăn hỏi xong, lễ vật nhà trai mang đến sẽ được nhà gái “lại quả” cho nhà trai. Tùy vùng miền mà sẽ “lại quả” một nửa hoặc một ít số lễ vật nhà trai đem qua. Số bánh quả còn lại, nhà gái sẽ chia cho họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Ý nghĩa của tục này là thông báo rằng cô gái đã “có nơi có chỗ”.
Thống nhất về lễ cưới
Bố mẹ hai bên gia đình sẽ cùng nhau thống nhất về ngày giờ đón dâu và lễ cưới. Trong khi đó cô dâu và chú rể mời nước quan khách và chụp hình lưu niệm cùng người thân, bạn bè.
Kết luận
Hôn nhân là việc quan trọng của cả đời người. Do đó, những nghi thức trong buổi lễ đám hỏi cần được thực hiện một cách chu đáo và thận trọng. Buổi lễ này được coi như lễ đính ước truyền thống và không thể thiếu trong đám cưới Việt. Vì vậy, cô dâu – chú rể hiện đại vẫn luôn tuân thủ và thực hiện theo đúng trình tự để đám cưới được diễn ra suôn sẻ.